Vợ đau mổ chưa đi lại được, mẹ già mắt kém, nên anh Long (26 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) được trao nhiệm vụ kiểm tra phân của đứa con gái mới chào đời.
Giặt tã, thay bỉm, bế con là những việc mà trước khi bé ra đời anh Long đã hình dung, nhưng cái công việc "vạch bỉm nhìn sản phẩm" này thì đúng là mới toanh, chẳng ai hướng dẫn và anh cũng chưa nghe tới bao giờ. Một ngày bé đi ngoài 7-8 lần là bấy nhiêu lần anh cắm cúi, săm soi xem có biến chuyển gì không.
Mấy ngày đầu, bé vẫn đi phân su đặc, anh Long tặc lưỡi vì thấy nó không có mùi khó chịu, công việc này xem ra cũng nhẹ nhàng. Sang ngày thứ ba, "sản phẩm" của bé màu vàng, có lẫn thêm vài hạt nhỏ xíu. Tra trên mạng anh mới biết là bé đi hoa cà hoa cải, không vấn đề gì về sức khỏe.
Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ, phân của bé bắt đầu có mùi chua khó chịu, cộng thêm việc bé đi khá lỏng khiến công việc thu dọn của anh Long thêm phần nặng nhọc. Lần nào thay cho con, anh cũng phải nín thở hoặc bịt mũi. Mang tã vào nhà vệ sinh, anh đứng thật cao xả nước xuống rồi dùng chân đạp, sau đó mới giặt lại bằng tay.
Cũng liên quan đến việc đi đại tiện của con, nhưng anh Giang (27 tuổi, quận Hoàng Mai) lại phải thực thi công việc khó khăn hơn nhiều lần. Bước sang tháng thứ tư, bé nhà anh 4-5 hôm mới đại tiện một lần. Chờ đợi mãi sốt ruột, nghe lời mấy người hàng xóm, anh lấy ngọn rau mùng tơi rửa sạch, bóc một ít lớp bên ngoài, kích thích vào hậu môn của bé để bé đi ngoài. Vợ sợ không dám làm, anh Giang phải gánh nhiệm vụ. Lần nào làm tay anh cũng run run vì sợ con đau, khi bé rặn đi được cũng là lúc anh toát hết mồ hôi.
Sau khi đưa con đi khám bác sĩ, nghe lời tư vấn, anh Giang lại dùng đầu cây nến nhỏ vót cho thật thuôn, sau đó chấm vào một ít mật ong thụt cho bé vào một giờ nhất định trong ngày để tạo phản xạ ị thường xuyên.
Anh Mạnh Linh (25 tuổi, Bạch Mai) không phải giặt tã, soi phân nhưng stress nặng nề vì con quấy khóc cả đêm. Hai vợ chồng thay nhau bế con mà vẫn mệt lả. Từ hôm con chào đời đến nay được một tháng, sáng nào đi làm anh Linh cũng trong tình trạng thiếu ngủ, mặt mũi phờ phạc.
"Xem trên phim ảnh thấy mấy đứa trẻ ngoan thế, cứ nằm im trong nôi, ai bế cũng được, ai dỗ cũng xong, ai mà biết được trông con lại khổ như này. Giờ mắt tôi cứ như gấu trúc hết cả, đến công ty làm mà không thể tập trung. Chỉ mong bà ngoại sớm thu xếp công việc để lên giúp đỡ hai vợ chồng, chứ cứ thế này vất vả quá", anh Linh tâm sự.
Vốn chẳng thích uống sữa, nhưng khi vợ đẻ, anh Tiến Thành (29 tuổi) đã nhiều lần phải uống sữa của.... chính vợ mình vì chị bị căng tức ngực, đắp lá mít, hút sữa cũng không ăn thua. Lần đầu anh suýt nôn vì cái vị sữa lờ lợ, nhàn nhạt, cảm giác ở miệng cũng làm anh sởn da gà. Sau đó, anh lại phải massage ngực cho vợ, rồi nặn sữa giúp chị. Anh chưa từng nghĩ khi có con phải làm thợ "vắt sữa" bất đắc dĩ thế này.
Suốt ngày chạy đi chạy lại pha sữa, rửa bình khiến anh Thành khá mệt mỏi. Đã vậy anh lại tủi thân khi vợ suốt ngày chỉ có con, cứ luôn miệng "Anh ơi, con thế này, con thế kia..." khiến anh chẳng buồn chia sẻ những chuyện bên ngoài. Quần áo anh giờ chẳng ai là lượt, cơm bữa đói bữa no... Hoàn cảnh này anh chưa bao giờ tưởng tượng ra trước đó.
Chuyên gia Tâm lý Nguyễn Thị Tâm, tổng đài 1088 cho biết, những ông bố thường khá bỡ ngỡ khi lần đầu được lên chức, cả tá công việc không tên khiến họ nhiều khi xoay như chong chóng, nhiều người thậm chí còn cảm thấy stress. Nhưng thay vì nghĩ mình phải làm cái này cái kia, quần quật như người giúp việc thì các ông bố nên nghĩ đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, mình đang chăm sóc con mình, vợ mình một cách tận tụy với cả sự thương yêu.
Không ai tránh khỏi những giây phút mệt mỏi nhưng điều quan trọng là biết vượt lên tất cả để vun vén cho tổ ấm của mình. Vợ vừa trải qua cuộc vượt cạn đầy đau đớn, nên đây là lúc họ cần hơn hết bàn tay, sự giúp đỡ của chồng, san sẻ cùng họ mọi việc.
Để tránh đảo lộn cuộc sống, các ông bố nên học kỹ năng sắp xếp thời gian, có thể bắt đầu bằng cách ghi tất cả công việc phải làm ra một tờ giấy, rồi gạch đi dần mỗi khi hoàn thành. Đây là cách khá đơn giản, cổ điển nhưng rất hiệu quả. Khoảng thời gian vợ mới sinh con, các ông bố cũng nên dành nhiều thời gian hơn để về nhà chăm sóc, thay vì lang thang ở quán cà phê hay tạt qua nhà bạn.
Nếu công việc quá nhiều, các ông bố không thể sắp xếp được, hãy cầu viện sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình hoặc thuê người giúp việc. Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là khi được bố mẹ, hay ai đó trợ giúp, đừng nên quá cầu toàn.
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Tâm, nhiều cặp vợ chồng trẻ coi con mình như vua, rồi sai người khác làm hộ việc nọ việc kia, cáu gắt khi người khác làm không đúng ý. Nhiều bố mẹ già đã cất công sang chăm sóc cháu nhưng lại bị các con chê bai, chậm chạp, lẩm cẩm khiến họ cảm thấy tủi thân và tổn thương ghê gớm. Chuyên gia khuyên các phụ huynh trẻ không nên nói những câu kiểu ra lệnh hay quát tháo "Tại sao không làm... Bây giờ ai làm kiểu đấy..." mà chỉ nên dùng những câu nhẹ nhàng như "Con muốn... Theo ý con...". Kỹ năng ứng xử trong những hoàn cảnh này cần đặc biệt chú ý để không làm ai đó mất lòng.
Những ông bố cũng không nên tự ái, ấm ức vì chuyện nhỏ nhặt như "bị bỏ rơi, không ai chăm sóc", vì vợ lúc này vừa trải qua cơn vượt cạn đau đớn lại còn phải bế ẵm, chăm con cả ngày. Thay vào đó, các ông chồng nên động viên, chia sẻ với vợ mọi công việc. Cố gắng không nói những từ làm vợ tổn thương, dù đôi khi đó chỉ là những lời nói vô tình.
Bác sĩ Đặng Thu Thủy, Khoa Phụ sản, Bệnh viện 198 cũng cho biết, thời gian sau sinh, người mẹ thường có biến động lớn về mặt giải phẫu và sinh lý, một số do thay đổi hoóc môn ảnh hưởng đến cảm xúc vì vậy người chồng đóng vai trò quan trọng. Họ nên gần gũi chăm sóc vợ, tỏ ra cảm thông, chia sẻ trách nhiệm với vợ mình. Tâm lý của người vợ lúc này cũng khá nhạy cảm, không nên to tiếng, cãi vã vì những điều nhỏ nhặt, mà cùng quan tâm chăm sóc con cái.
|